Sân bay Long Thành và cảng Cái Mép Thị Vải – hai điểm tựa tăng trưởng mới

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, Phan Văn Mãi cho biết, hiện nay vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như tốc độ tăng trưởng chậm lại và chậm hơn tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Vai trò đầu mối xuất nhập khẩu giảm, hiệu quả sử dụng vốn của vùng luôn thấp nhất và đều thấp hơn so với bình quân của cả nước.

Đông Nam Bộ tăng trưởng chậm lại, vì sao?

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, kinh tế của vùng giảm tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của cả nước mà nguyên nhân là do TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu của vùng tăng trưởng chậm.

PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nhận định, các chỉ số tăng trưởng của Đông Nam bộ suy giảm, xuất hiện xu thế tụt hậu,  thu hẹp khoảng cách phát triển với Vùng Bắc bộ dù vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có số doanh nghiệp gấp 6 lần vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Nguyên nhân của tình trạng tụt lại của vùng Đông Nam bộ là do thể chế hiện hành chưa khuyến khích chính quyền địa phương chủ động, sáng tạo và tăng cường liên kết vùng. Trong khi đó vai trò của Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng chưa được phát huy đúng mức. Quy hoạch vùng và từng địa phương đang tạo nên “lực kéo”, thay vì “lực đẩy” cho phát triển của vùng. Quy hoạch trùng lắp chức năng, dẫn đến cạnh tranh, thiếu liên kết. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, đô thị không theo kịp và đang cản trở sự phát triển nhanh, bền vững của vùng.

Đơn cử, từ TP. Hồ Chí Minh về Long Hải chỉ 100km, thời gian di chuyển bằng ô tô khoảng 2,5 giờ. Thế nhưng thực tế phải di chuyển mất gần 5 tiếng. Theo tính toán của công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VEC E), trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây trung bình mỗi ngày có khoảng 38.000 – 42.000 lượt phương tiện lưu thông và tăng lên 43.000 – 46.000 dịp cuối tuần. Nhiều thời điểm đơn vị phải khuyến cáo tài xế lựa chọn tuyến đường khác để lưu thông.

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa ( Đồng Tháp), khu vực miền Nam, ngoài tuyến cao tốc Bắc – Nam đã và đang triển khai, hiện chỉ có 3 tuyến cao tốc là TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và Trung Lương – Mỹ Thuận đã hoàn thành đưa vào khai thác là quá ít ỏi.

“So sánh với quy mô diện tích, dân số và sự đóng góp cho nền kinh tế của cả khu vực, số km cao tốc hiện có không thể đáp ứng được tốc độ phát triển của vùng. Các tỉnh Đông Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh có gần 40 triệu dân, chiếm hơn 1/3 dân số cả nước. Nhu cầu vận tải giữa các tỉnh thành trong vùng ngày càng tăng, trung bình 10 – 12%/năm. Tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông dường như không theo kịp. Điều này phần nào khiến vùng kinh tế Đông Nam Bộ chưa thể bứt phá”, ông Hòa nói.

Hai điểm tựa tăng trưởng mới

Sân bay Long Thành và cảng Cái Mép- Thị Vải đang được kỳ vọng là hai tâm điểm cho sự tăng trưởng. Sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã chính thức được khởi công xây dựng vào đầu năm 2021, dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Ở vị trí giao thông cốt lõi, sân bay Long Thành sẽ là một trong những sân bay lớn của khu vực khi phục vụ 25 triệu lượt hành khách cùng 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm ở giai đoạn 1 và 100 triệu lượt hành khách cùng 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm khi hoàn thành xây dựng toàn bộ.

Sân bay Long Thành khi đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Luồng lưu thông khách du lịch sẽ đem tới nguồn thu đáng kể cho các hoạt động thương mại, dịch vụ đi kèm.

Trong khi đó, theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Cái Mép – Thị Vải (tỉnh BRVT) sẽ là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của quốc gia, có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế.

Khối lượng hàng hóa qua cảng biển BRVT tăng trưởng ổn định. Riêng năm 2020, khối lượng đạt gần 113 triệu tấn, trong đó có hơn 7,5 triệu TEU container, chiếm 16% tổng hàng hóa cả nước và chiếm 34% tổng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam. Chính vì vậy, đối với lĩnh vực cảng biển tại BRVT, cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải được đánh giá sẽ trở thành trung tâm cảng biển của vùng Đông Nam Bộ trong tương lai. Mọi hoạt động kinh tế của vùng Đông Nam bộ thời gian tới sẽ hướng về huyện Long Thành và khu vực Cái Mép – Thị Vải.

Bên cạnh đó, tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã được Quốc hội Khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua, cũng thúc đẩy tháo gỡ “nút thắt” cho khu vực này. Bởi để hiện thực hóa được mục tiêu đưa sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải trở thành động lực để phát triển khu vực như kỳ vọng, việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa hai địa điểm trên là yếu tố then chốt.

PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam cho rằng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng đóng vai trò cực kỳ quan trọng và là yếu tố quyết định thành công, bởi giải quyết vấn đề thời gian, một trong những yếu tố quan trọng, đánh giá hiệu quả hoạt động logistics. Để có được một hệ thống hạ tầng giao thông kết nối sân bay Long Thành và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đồng bộ thì rất cần nỗ lực từ mỗi địa phương, triển khai hợp tác liên kết với các vùng lân cận.

Đức Trí